Đông đúc đến nghẹt thở
Đó là cảm nhận chung ở tất cả các lễ hội đầu năm. Lễ hội Chùa Hương năm nay, đò chở khách được huy động hết công suất. Đò nhỏ vốn mỗi lượt chỉ chở hơn chục khách nay thậm chí có nhà đò nhồi nhét tới 40 khách. Biết là nguy hiểm, những người hành hương vẫn cố đi, trông cậy tất cả vào kinh nghiệm và khả năng của người chèo đò, bởi nếu chờ đò chở đúng quy định thì "không biết đến bao giờ".
Đông đúc đến nghẹt thở.
Cũng theo quy định của ban tổ chức lễ hội, đò không được phép chở khách từ sau 21g đến 5g sáng. Tuy nhiên, những chuyến đò vẫn tấp nập đi về suốt đêm. Đêm trước giờ khai hội chùa Hương, nhiều "cò" đò khẳng định: đi hay về giờ nào là tùy thuộc khách, quy định là từ 5g sáng nhưng muốn đi từ 1g hay 2g cho sớm cũng không vấn đề. Khách vì muốn tránh cái đông đúc ngột ngạt của ban ngày nên chấp nhận đi đêm dù rằng đi đêm sẽ nguy hiểm hơn rất nhiều.
Tương tự như Chùa Hương, Yên Tử (TP.Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh) là khu danh thắng nổi tiếng, có gần 1.000 năm lịch sử, là nơi Phật hoàng Trần Nhân Tông tu hành, lập ra thiền phái Trúc Lâm.
Đường từ chân núi lên đỉnh dài vài ngàn mét, có 2 đoạn đã được đầu tư cáp treo. Nhưng đoạn gian nan nhất là cung đường cuối cùng, từ tượng An Kỳ Sinh lên chùa Đồng (tọa lạc ở độ cao 1.068 mét so với mực nước biển), hàng ngàn khách hành hương phải chen lấn trên gờ đá chênh vênh, nguy hiểm.
Bói toán tràn lan
Hầu hết ở chùa, đền nào cũng có khu vực bói toán, giải hạn, luôn đông đúc, nhộn nhiepj. Tại đền ông Hoàng Mười (xã Hưng Thịnh, Hưng Nguyên, Nghệ An), trên mỗi manh chiếc nhỏ trải trước 3 điện thờ (2 điện thờ ở khu đền chính và 1 điện thờ ở khu đền phía ngoài) có 3-5 người hành nghề xóc thẻ, giải tử vi. Số tiền phải trả cho mỗi lần xóc thẻ là 20.000 đồng (bao gồm cả 30 phút chờ đợi và vẻn vẹn 3-5 phút nghe một ông thầy khác giải quẻ).
Bói toán tràn lan khắp các chùa.
Một "thầy" còn khá trẻ, miệng liến thoắng hướng dẫn du khách xóc để lấy thẻ tay lần mò trong chiếc cặp da đặt bên cạnh để tìm đúng lá số có con số tương ứng với số thẻ khách vừa xóc rơi ra, rồi chỉ sang người đàn ông bên cạnh để giải. Chẳng biết lời giải của thầy tốt xấu ra sao, chỉ thấy khách chen vào rồi lại đi ra, người hỉ hả, kẻ cau có, khó chịu. Chỉ trong vòng 30 phút có 16 người vào xóc thẻ nghĩa là chỉ ngần ấy thời gian, 2 "thầy" đã thu được hơn 300.000 đồng!
Ăn xin vào mùa
Mùa lễ hội cũng là mùa ăn xin. Trong số này, người nghèo thật, tàn tật thật thì ít mà kẻ cơ hội để trục lợi thì nhiều. Lợi dụng tâm lý của những người đi lễ chùa đầu năm là từ tâm, hỉ sả, làm việc thiện để phúc để đức cho cả năm nên dù 'thật' hay 'giả' đều nhắm mắt cho tiền. Tại các cửa đền, chùa từ lớn đến nhỏ, đông khách hành hương hay ít thì đều có ăn xin chầu chực sẵn.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Đức Tiến, ủy viên Ban quản lý đền bà Chúa Kho cho biết, ngay từ những ngày đầu năm mới, khách thập phương đã nô nức đổ về đền làm lễ dâng hương. Ước chừng, mỗi ngày nơi đây đón tiếp hàng nghìn du khách. Năm nay, ngoài 40 cụ trực thuộc quân số của đền, Ban quản lý đền bà Chúa Kho còn phối hợp với Công an P.Vũ Ninh, Công an TP.Bắc Ninh... để đảm bảo công tác an ninh trật tự.
Ông Tiến cho biết thêm vấn đề tồn tại trong suốt nhiều mùa lễ hội trước khiến người dân bức xúc, đó là trộm cắp, móc túi và ăn xin, đã được ban quản lý đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, cũng theo ông Tiến, cho dù đã cố gắng, nhưng tình trạng trên vẫn chưa có dấu hiệu giảm. Thường ngày đền bà Chúa Kho liên tục xảy ra cảnh khách chen lấn, đây là cơ hội để kẻ gian ra tay.
Còn về tình trạng người ăn xin ngồi la liệt thành hàng theo đường dẫn lên đền, ông Tiến cho biết, đã liên tục cắt cử bảo vệ dân phòng, nếu thấy người ăn xin xuất hiện thì mời họ đi nơi khác. Nhưng điều này cũng không dễ, vì hễ cứ thấy lực lượng chức năng đi khỏi, họ lại gọi điện cho nhau kéo tới. "Phải gọi đây là công nghệ ăn xin, hay ăn xin thời hiện đại mới phải. Theo thông tin mà chúng tôi nắm được thì có nhiều gia đình thuê cả những hội người ăn xin về nuôi, ở tại nhà họ. Sáng sáng chở xe máy, xe ôm đưa tới khu vực chân đền để làm ăn. Không những thế, những người ăn xin này còn được trang bị cả điện thoại di động, để nếu thấy khu vực nào "kiếm ăn được" là họ thông báo cho nhau, gọi xe tới đón. Hiện tại, đội quân ăn xin này không chỉ có ở đền bà Chúa Kho, mà còn xuất hiện ở đền Trình, chùa Phật Tích, chùa Dâu, chùa Keo…", ông Tiến cho hay.
Đua nhau 'chặt chém' khách hành hương
Với những người dân ở khu vực có diễn ra các lễ hội đầu năm thì đây chính là dịp làm ăn lớn. Đủ mọi chiêu trò, phương cách, từ dịch vụ an uống, ngủ nghỉ đến 'cò lễ trọn gói', đi cáp treo, gửi xe vào lễ đều được tận dụng triệt để để làm tiền.
Tại Đền Bà Chúa Kho, rất nhiều hàng quán mở dịch vụ viết sớ, sắp lễ xuất hiện khắp nơi. Các "cò" dẫn khách làm "dịch vụ trọn gói", từ viết sớ, sắp lễ, cho đến khấn thuê... chào mời ngay từ bãi gửi xe. Dịch vụ viết sớ ban đầu được 'quảng cáo' với giá 5000 đồng/sớ nhưng khi làm thì người viết sớ tiện tay 'ngoáy' thêm hai lá sớ và bình thản thu 15.000 đồng.
Dịch vụ cáp treo ở Chùa Hương đang trong những ngày đông khách nhất. Chuyện chờ đợi 3-4 giờ để lên cáp treo thăm động Hương Tích được công khai thừa nhận là "chuyện thường ngày". Tuy nhiên, du khách có thể đi con đường nhanh hơn nếu... chịu chi tiền nhiều hơn. Giá vé quy định là 120.000 đồng cho lượt đi và lượt về, nhưng số tiền thực đóng sẽ là 200.000 đồng. Sau khi đưa tiền cho "cò", "cò" sẽ dẫn lên tận cửa cáp treo và được lên buồng ngay lập tức trước con mắt điềm nhiên của nhân viên bán vé lẫn bảo vệ. Những người còn lại nếu mua vé trực tiếp tại bàn đành kiên nhẫn chờ đợi tiếp.
Còn với dịch vụ ăn uống, những người bán hàng lại có cách khác để 'chặt chém' khách hàng hương. Các biển quảng cáo thịt thú rừng xịn được đặt ở khắp mọi nơi nhưng thực chất chỉ là thịt giả. Giá tiền một kg thật không cao nhưng so với giá trị thực chất của thịt thì vẫn là một cái giá khá đắt.
Chủ Nhật, 4 tháng 3, 2012
Di le dau nam chen chuc, boi toan, an xin va chat chem
Người Việt Nam có truyền thống đầu năm đi lễ chùa để cầu mong may mắn, bình an cho cả năm. Nhưng càng ngày nét văn hóa tâm linh này càng bị lạm dụng nhiều hơn, làm mất đi nét đẹp vốn có của nó. Theo www.baomoi.com
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét