may tinh bang moi | tai idm 6.05 | download office 2003 | download microsoft office 2007 | download office 2010 | tải office 2010 miễn phí |
Khí xuân tràn về khiến những cánh đào miền Tây Bắc bật nở. Sương mù đang dần giãn ra. Chiếc U-oát cứ gầm gừ, gồng mình đưa chúng tôi vượt dốc, thoát đèo. Trên con đường độc đạo chỉ vừa đủ một thân xe để đến với Xín Mần, chúng tôi đã thực sự bị vùng biên đầy quyến rũ này hớp hồn.
1. Nghe kể, nghe tả nhiều rồi nhưng khi lên Xín Mần, chúng tôi mới hiểu vì sao nơi đây được mệnh danh là vùng đất thiêng "hình con cáo", là "đệ nhất" phong cảnh Tây Bắc. Từ trên cao nhìn xuống, Xín Mần có hình dáng hệt như con cáo với đầu là hai xã Nàn Xỉn và Bản Díu, còn phần đuôi là trọn vẹn xã Pả Vầy Sủ. Người xưa nói rằng, đuôi cáo là vùng đất thiêng, ai sống ở đó sẽ muôn đời cường thịnh. Ở đây, có một chuyện lạ lùng là con sông Chảy không từ Hoàng Su Phì đổ thẳng về xuôi mà lại vòng ngược lên Xín Mần, sau đó qua Si Ma Cai (Lào Cai) rồi mới "chịu quay đầu" về xuôi. Bởi thế, từ Hoàng Su Phì, tiếng là xuôi theo sông Chảy nhưng thực chất, đến được Xín Mần vào Pả Vầy Sủ thì phải vượt không biết bao nhiêu là núi...
Ruộng bậc thang, chụp từ ngã 3 Cốc Pài - trung tâm.2. Địa hình đồi núi ngút ngàn đã tạo ra những thửa ruộng bậc thang có một không hai nơi đây. Không biết tự bao giờ, những thửa ruộng của người Mông ở Xín Mần đã xuất hiện, tồn tại và trở thành những kiệt tác đầy hoang sơ và kỳ vĩ. Ở đây, ruộng bậc thang không chỉ mang lại nguồn lương thực nuôi sống con người, mà còn gắn liền với những câu chuyện tình nổi tiếng làm xúc động lòng người. Câu chuyện chàng trai tên Sín Văn Tinh đã làm nên một thửa ruộng bậc thang hình trái tim để tặng cô người yêu Sùng Thị Vẻ ở bản Díu xảy ra cách đây bao năm, nhưng nó đã lưu truyền và trở thành một huyền thoại về tình yêu của người La Chí. Đứng trên đỉnh cao nhìn xuống, những thửa ruộng trải đầy các ngọn núi, tăm tắp màu vàng óng của lúa chín với những đường viền đỏ của đất núi, màu xanh của những cây mạ mới cấy đan xen...
Cửa khẩu Xín Mần là nơi họp chợ phiên Xín Mần.3. Trong làn sương mờ bảng lảng, chúng tôi vội vã lên chợ. Vội vã vì theo Đồn trưởng đồn BP Xín Mần, anh Nguyễn Quốc Khánh: "Phải đi sớm mới cảm nhận được hết không khí một phiên chợ vùng cao nơi đây". Chợ có tên gọi chợ Xín Mần, nhưng anh em chiến sĩ đồn Biên phòng thường gọi cái tên thân quen là chợ Mốc 5. Đây là khu chợ thông thương và giao lưu buôn bán giữa các dân tộc hai nước Việt Nam - Trung Quốc.
Nơi đây có cổng thành đá từ thời nhà Thanh ghi lại dấu ấn lịch sử về biên giới hai nước Việt - Trung. Hàng tuần, vào sáng chủ nhật, từ trên các đỉnh núi cao, từ tờ mờ sáng, người dân các dân tộc về tập trung tại chợ. Những bộ váy xòe hoa sặc sỡ của đồng bào Mông, màu xanh chàm của người Dao, người Nùng, màu đen của người Tày, Cao Lan và quần áo điểm hoa viền đỏ của người La Chí...
Với phụ nữ các dân tộc thiểu số ở Hà Giang, họ không bao giờ từ bỏ trang phục truyền thống của mình cũng như không bao giờ mặc quần áo rách, đội khăn cũ đi chợ phiên dù cuộc sống còn nhiều khó khăn. Ở Xín Mần, bà con xuống chợ không đơn thuần với mục đích là mua bán, trao đổi hàng hóa, mà chủ yếu là đi chơi chợ. Con trai thường cầm theo khèn, đèn pin hoặc chiếc đài thu thanh nhỏ có băng nhạc ghi các bài hát dân ca của dân tộc mình. Phái đẹp thường đi thành tốp năm ba người cầm ô hoa, địu con, xúng xính tới chợ. Mê chợ nhất là đám thanh niên, vì chợ là nơi để họ được uống rượu ngô, ăn thắng cố, được thổi khèn gọi bạn tình...
Mặt hàng ấn tượng nhất tại chợ phiên Xín Mần là những tổ ong rừng to như cái quạt mo, bên trong đầy ắp những con nhộng (ong non). Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết nghề bắt ong rừng rất công phu và nguy hiểm. Người bắt ong dùng một miếng thịt mỡ nhỏ hay con cào cào đã thối rữa treo vào cành cây cao nhất trong rừng. Khi phát hiện con ong đầu đàn (ong chúa) đến tha đi, người ta đi theo hướng đó sẽ phát hiện ra tổ ong. Nhưng lấy tổ ong xuống cũng phải làm rất nhiều công đoạn vì chỉ cần sơ sẩy, bị đàn ong tấn công, thợ săn ong sẽ bỏ mạng. Với anh Phìm, chị Sẻo, những người bán ong ở chợ Xín Mần thì mỗi dịp Tết đến, cần phải "nằm" trong rừng nhiều hơn với mong muốn bắt được nhiều ong hơn để bán, đổi lấy tiền sắm quần áo tết cho các con.
Ong rừng, một đặc sản của Xín Mần.4. Bước qua cửa khẩu Xín Mần đang xây dựng, nhân dân hai nước Việt - Trung cùng xuống chợ thật nhộn nhịp và chân chất tình láng giềng. Giữa họ trong những ngày phiên như không có lấy một chút khoảng cách là người Việt Nam hay Trung Quốc. Các hàng ăn ở đây đông đúc, bốc khói nghi ngút, bởi đã xuống chợ ai cũng phải ăn, phải mua quà về cho người ở nhà. Những chiếc bánh rán nóng hổi sôi rào trong chảo mỡ lớn, những bát phở chua nghi ngút khói, người đứng, kẻ ngồi hì hụp uống, ăn...
Chỉ có một chút nho nhỏ trăn trở trong tôi khi chia tay mảnh đất thiêng "hình con cáo", đó là cuộc sống bà con nơi đây còn thiếu thốn lắm. Ai ai trong đoàn cũng đều hy vọng mảnh đất thiêng, mảnh đất "siêu cảnh", mến khách này sẽ là địa điểm du lịch nổi tiếng. Năm Rồng đến sẽ mở ra cho Xín Mần những thuận lợi phát triển tiềm năng du lịch, bà con các dân tộc sẽ no ấm bốn mùa.
Lê Tuấn
Email Print Góp ý
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét