Hoang Diep
Cơn gió nhè nhẹ làm đôi mắt tôi lim dim, những bản nhạc không lời vang vọng khiến người ta có cảm giác như ru ngủ. Thời tiết dạo này nóng quá làm tôi thấy khó chịu trong người. Nằm trong góc phòng ở nhà, trong cái không gian quen thuộc, chiếc đài FM cũ đã hư không còn dùng được, cái kệ sách kê trên đầu giường sau đợt lũ số 9 cuốn đi giờ không còn một quyển sách, chỉ còn chiếc ghế cũ đã sờn màu vani đặt cạnh bàn học của tôi, vẫn còn cái giường với cái nệm cũ giờ đã được thay một cái mùng mới màu đỏ. Tôi ngồi ở một góc loay hoay với cái laptop để hoài niệm về những ngày vừa qua được về quê - Quảng Ngãi thân yêu, được sống trong những ký ức tuổi thơ.
Có lẽ cuộc sống là cả một sự trải nghiệm lớn lao để từ đó người ta lớn lên, trưởng thành hơn trên bước đường đời, để rồi sau mỗi bước chân đi qua, in hằn lên đó những dấu chân, vấn vương đâu đó những ký ức về một thời xa vắng. Nhà thờ Chế Lan Viên từng có những câu thơ:
"Khi ta ở chỉ là nơi đất ở
Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn".Chắc không đứa trẻ nào lớn lên là không trải qua những ngày tháng ầu ơ trên tay mẹ, không một ai lớn lên mà chưa từng nghe câu hát "quê hương là chùm khế ngọt, cho con trèo hái mỗi ngày, quê hương nếu ai không nhớ, sẽ không lớn nổi thành người". Đối với tôi, quê hương là một nơi gần gũi, thân thuộc, là nơi tôi đã sinh ra, đã qua những ngày thơ bé với thật nhiều kỷ niệm mà mỗi lần được về quê, làm sống lại trong tôi những cảm xúc dạt dào.
Những ngày nghỉ lễ kéo dài làm dòng người đổ về quê thật nhiều, chen chúc nhau trên những chuyến xe hàng. Chuyến xe bắt đầu lăn bánh từ 5h30 sáng, vượt qua gần 200km trên quốc lộ 19 từ Kon-tum. Con đường quanh co bao quanh những ngọn núi chập chùng, mây bay là là, trời mù sương, qua hai cái đèo violet và măng đen hiểm trở. Khoảng hơn 5 tiếng đồng hồ là tới nơi, đã gần giữa trưa, xuống xe, cảm giác đầu tiên tôi thấy được là cái nóng bỏng rát của miền Trung. Bầu trời trong xanh, chỉ có vài đám mây nhỏ đang được gió chầm chậm đưa đi, vạch lên một nền xanh rộng thênh thang, để lộ những tia nắng mặt trời chói chang.
Từ đường quốc lộ 1A chạy vào nhà ông khoảng 3km, giao với con đường làng là một chiếc cầu, nơi đây người ta vẫn quen gọi là cống "ông Liếu". Chạy xe trên con đường làng dẫn về nhà ông, gió hắt nắng vào mặt làm tôi càm thấy nóng ran, con đường làng ngày xưa giờ đã được trải nhựa, hai bên đường thay cho những dãy nhà san sát là cánh đồng rộng mênh mông, bát ngát. Mùa này là mùa khô nên chỉ còn những gốc lúa đã bị cháy nắng sau một vụ mùa. Xa xa là những cánh cò trắng đang bay chập chờn trên những đám mạ mới xanh mơn mởn. Dọc hai bên đường là hai con kênh nhỏ dùng để cung cấp nước cho ruộng. Phóng tầm mắt ra xa có thể thấy những hàng câu phía trước vài ngôi nhà mọc giữa đồng.
Thi thoảng, có bóng dáng của những nữ sinh cấp ba, đội nón lá đi trên những chiếc xe đạp cũ để lên trường huyện, mái tóc dài phất phơ bay trong gió, tà áo trắng thướt tha ôm gọn dáng người thanh mảnh, làm tôn thêm cái vẻ đẹp đầy chất quê. Đi qua hết những cánh đồng là tới một cái cầu nhỏ bắc qua một cái bầu nước đang dần cạn khô, có vài chiếc ghe đang neo trên bờ.
Qua cây cầu là tới xóm nhỏ của nhà ông. Những ngôi nhà mái ngói thưa thớt, bên hông nhà thường là những đụm rơm cao gần tới mái, đó là những gì còn xót lại sau một vụ gặt, dùng để chụm củi hoặc cho bò ăn. Bao quanh những ngôi nhà là các khu vườn rộng. Đằng trước là những hàng rào thẳng tắp được trồng bằng những cây chằng chịt thường là: cây mãn kiểng, gò gai... cao chừng 1m2 chạy đan xen những cây bạch đàng to hay những cây dừa ngả nghiêng đã nhiều năm tuổi. tới cổng nhà ông
Quê ngoại tôi là một vùng quê nghèo thuần nông nằm ở một cái xã nhỏ ven biển thuộc tỉnh Quảng Ngãi, có tên gọi là Đạm Thủy. Nhà ông tôi là ngôi nhà khá khang trang được xây dựng mới cách đây vài năm. Sau khi ông mất, giờ chỉ còn gia đình cậu tôi sống. Ngôi nhà được xây theo hình chữ "L", trước có sân xi măng rộng, có nhiều chậu cây cảnh, mặt quay về hướng biển, xung quanh là một khu vườn rộng được trồng cây mỳ và mía.
Cậu tôi năm nay đã ngoài 40, dáng người cao, ốm, bàn tay chai sạn, tóc đã xuất hiện nhiều sợi bạc, làn da rám nắng, thể hiện sự rắn chắc của người nông dân. Mợ tôi là giáo viên tiểu học của một ngôi trường làng. Dáng mợ gầy, khóe mắt đã xuất hiện những nếp nhăn in hình dấu vết của thời gian, khuôn mặt khắc khổ như mang nhiều nỗi ưu tư. Mợ vẫn ngày ngày bên trang giáo án để mang lại những bài học hay cho bao thế hệ học trò. Cuộc sống vất vả là thế, quanh năm lam lũ là thế nhưng cũng chỉ đủ ăn. Ở đây, tôi như được trở lại những ngày tháng tuổi thơ.
Hồi còn nhỏ, mỗi mùa hè, tôi vẫn được ba mẹ cho về quê chơi. Đó là những ngày tháng vui nhất của tôi. Bây giờ nhớ lại vẫn cảm thấy từng cành cây, ngọn cỏ, từng góc vườn, con đường làng... và cả cái vị ngọt của nước giếng. Mọi cảm giác đều thân quen, chúng đã ăn sâu vào tiềm thức, nuôi dưỡng tôi lớn lên theo năm tháng.
Nhớ những ngày hè dài, tôi cùng lũ trẻ quê đi chân đất thả diều, cưỡi trâu, bắt cá... trên những cánh đồng. Tôi cùng mấy đứa em trèo leo trên những cái cây trong vườn nhà ông. Những đêm dài cả xóm nhỏ cùng nhau đi "chạy còng" trên bờ biển, những buổi sáng sớm được chạy bộ ra biển để ngắm mặt trời mọc. Tôi nhớ những lúc ngồi chăm chú nghe ông thổi sáo, đánh đàn măng-đô-lin rồi kể những câu chuyện ngày xưa.
Hồi đó, nhà ông nhỏ lắm, được xây từ thời Pháp thuộc với cái nền xi măng cao, tường được làm từ bùn trộn với rơm có khung tre rất cứng, mái được lợp tranh mùa hè thì mát còn mùa đông thì ấm. Quanh nhà là khu vườn rộng gồm đủ các cây ăn quả: xoài, mít, mận, khế... mà anh em tôi vẫn thường trèo hái. Phía sau nhà là một cái giếng rất ngọt.
Bên cạnh đó là cây khế đã nhiều năm tuổi vẫn đang soi mình trong dòng nước giếng trong vắt... Thời đó, cả xóm chỉ có một cái ti vi nội địa ở nhà ông tôi, cứ mỗi tối là cả xóm tập trung ở đây, già có, trẻ nhỏ có.. tất cả tụ tập coi cho tới khuya giống như một cái rạp xi-nê thu nhỏ. Nhưng giờ chỉ còn là những ký ức xa xôi, vỡ vụn.
Ngôi nhà xưa giờ chỉ còn là một đống đổ nát, khu vườn cũ chỉ còn những cây cỏ dại mọc cao quá đầu, cô bé hàng xóm nhỏ xinh thường chơi trốn tìm ngày xưa giờ đã biết ửng hồng đôi má khi bị tôi châm chọc... Mọi thứ được gói trong một mảnh ký ức, chôn ở một nơi sâu thẳm trong tâm hồn tôi, là một chút gì đó để nhớ, một chút gì đó để mãi yêu thương.
Cuộc sống quê tôi giờ đã đổi khác nhiều, những ngôi nhà to đã bắt đầu mọc lên, những con đường làng đã được bê tông hóa, công cuộc đô thị hóa đã đưa những nhà máy tới từng vùng quê... Nhưng vẫn còn đó những lũy tre làng cong mình trong gió để chở che cho xóm làng, những người dân lam lũ, cần cù trong lao động, vẫn còn đó cái chất chân quê rất thực, rất đời thường. Vẫn đứng đó bóng dáng những hàng dương liễu bạt ngàn ngày ngày chắn gió. Còn tôi, tôi đã sinh ra từ nơi ấy - nơi mà tôi vẫn gọi là "quê hương".
Vài nét về blogger:
Tôi là một độc giả quen thuộc của Ngoisao.net, tôi hay đọc về những cảm xúc chân thật trên blog, là một người cũng thường xuyên viết nhưng hôm nay mới gửi một bài lên tòa soạn. Rất mong nhận được 'comments' chân thành của các bạn. Bài này mình viết lâu rồi nhưng muốn chia sẻ một số tình cảm về quê hương với người khác. Trân trọng!
Tin liên quan
Thứ Ba, 6 tháng 3, 2012
Que huong
Tôi đã sinh ra từ nơi ấy, nơi mà tôi vẫn gọi là "quê hương". Theo www.baomoi.com
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét