Phụ nữ Mông miệt mài với công việc, bất kể thời gian
Đến với Chế Cu Nha, bạn sẽ được chứng kiến cảnh những người phụ nữ Mông quanh năm suốt tháng tay đan, thêu dệt thổ cẩm. Công việc thêu thùa, dệt vải, đối với họ dường như không có giờ nghỉ. Họ làm khi đi nương, đi chợ, xuống xã… Bên mình lúc nào cũng có cuộn len, sợi chỉ, cái kim. Cứ rảnh tay họ lại tiếp tục công việc thêu thùa yêu thích.
Người phụ nữ Mông được định hướng việc thêu thùa may vá cho đến cách bố trí màu sắc, hoa văn truyền thống khi còn rất nhỏ. Chưa có sự thống kê rõ ràng về các kiểu cách hoa văn trong trang phục người Mông, nhưng theo lời kể của người dân nơi đây thì sự kết hợp về mầu sắc, hoa văn và trong từng cách bài trí rất đa dạng và khác nhau.
Những đường kim, mũi chỉ thể hiện sự khéo léo và óc thẩm mỹ tinh tế của người phụ nữ Mông
Trước đây việc dệt vải, may vá đều được làm thủ công nhưng đến nay người dân đã biết sử dụng máy khâu và mua vải lanh để thêu thay cho việc phải tự dệt vải từ sợi lanh và khâu tay như xưa. Loại vải mà người Mông ưa chuộng là loại vải lanh, chỉ dùng để thêu thì thường là sợi tơ tằm vì nó có độ bền cao và giữ được màu. Họ thêu hoa văn theo sở thích của mỗi người mà không cần mẫu.
Các hoa văn trong trang phục của người Mông chủ yếu là hoa văn hình học như hình vuông, hình chữ nhật, hình thoi, hình xoáy ốc và thỉnh thoảng có những mô típ hoa văn chưa xác định được mà họ chỉ làm theo mẫu đời xưa để lại. Màu sắc chủ đạo được thêu trên váy là màu xanh, đỏ, đen, vàng. Với yêu cầu khá cao về sự công phu. Chị Hờ Thị Tàng nói về công việc của mình: "Một năm người làm nhanh chỉ có thể làm 4 cái còn chậm hơn thì chỉ có thể làm được 2, 3 cái thôi. Vào mỗi dịp tết (người Mông đón tết chính là là tết dương từ 30-12 đến 10-1), mỗi người thường phải có ít nhất là 2 bộ váy. Làm được ít nên chỉ đủ để mặc, không bán, lúc nào cần tiền lắm mới mang xuống chợ bán."
Có thể thấy, công việc thêu dệt thổ cẩm của đồng bào người Mông chưa góp phần vào việc tăng thêm thu nhập, thúc đẩy phát triển kinh tế cho các hộ gia đình.
Mỗi bộ váy sau khi được hoàn thành có giá trung bình từ 2 đến 4 triệu đồng, có những bộ có thể lên tới 10 triệu đồng, giá tùy thuộc vào chất liệu, sự tỉ mỉ, hoa văn trong trang phục. Hiện nay, xuất hiện những bộ váy có xuất sứ từ Trung Quốc, giá chỉ khoảng từ 80 đến 100 nghìn đồng/chiếc. Kiểu dáng khá giống với váy người Mông, chỉ khác là hoa văn không thêu.
Theo ông Khang A Đua, Phó chủ tịch UBND xã Chế Cu Nha: bà con chủ yếu chỉ làm để phục vụ nhu cầu trong gia đình, việc may mặc đa phần chưa giúp cho phát triển kinh tế. Xã chưa có chính sách đầu tư cụ thể nhưng hiện nay đã phối hợp với một số dự án để xây dựng làng nghề truyền thống như thêu dệt thổ cẩm, mây tre đan, rèn đúc. Đó sẽ là định hướng trong tương lai phát triển của xã.
Hiện nay, nhằm phát triển trang phục truyền thống, tại Chế Cu Nha có dự án phát triển sản xuất thổ cẩm do trung tâm Craft Link (Trung tâm nghiên cứu, liên kết và phát triển thủ công mỹ nghệ), với sự quảng bá sản phẩm tại các hội chợ, đảm nhận việc giới thiệu sản phẩm cho các đoàn khách du lịch trong và ngoài nước ưa thích sản phẩm thổ cẩm. Trung tâm tổ chức các đợt tập huấn, nâng cao kinh nghiệm, tay nghề cho bà con. Một số người có tay nghề cao được đi học hỏi kinh nghiệm thực tế tại các cơ sở thêu hiện nay ở Hà Nội và học hỏi các hoa văn mới lạ của các dân tộc khác, từ đó về truyền bá lại kinh nghiệm cho bà con.
Trang phục truyền thống là một trong những giá trị văn hóa tạo nên nét đẹp của người Mông, góp phần lưu giữ, phát triển, tạo sự đa dạng cho nền văn hóa của dân tộc. Việc kết hợp giữa việc gìn giữ và tăng thêm nguồn thu nhập cho bà con là một hướng đi xác thực, bền vững cho việc phát triển trang phục nơi đây.
Trang Thu
Thứ Năm, 8 tháng 3, 2012
Huong phat trien cho trang phuc Mong
QĐND Online - 458 hộ dân sinh sống tại Chế Cu Nha, huyện Mù Cang Chải, chủ yếu là dân tộc Mông. Có thể nói Chế Cu Nha là một cộng đồng dân tộc giữ gìn đậm đà bản sắc truyền thống. Nổi bật là nghệ thuật tạo hình trên nền trang phục được người Mông lưu giữ, bảo tồn, phát huy. Theo www.baomoi.com
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét